Pages

Friday, October 10, 2014

Apple Watch có phải là một bước tiến lớn cho công nghệ phản hồi xúc giác

Apple_Watch_1.

Cách tương tác giữa người và máy thế hệ mới sẽ cần phải có cơ thể bạn trong đó. Bạn sẽ thật sự cảm thấy - theo đúng nghĩa đen - từng thông tin được gửi đến thiết bị đeo được của mình, hay từng thao tác chạm vào màn cảm ứng. Công nghệ này gọi là phản hồi xúc giác (haptic feedback). Và mặc dù nó đã có mặt trên thị trường từ lâu, Apple Watch sẽ là sản phẩm giúp đưa phản hồi xúc giác đến với nhiều người hơn và trở nên hữu ích hơn.

Công nghệ haptic sử dụng một lực nhỏ áp lên bề mặt da của người dùng để cung cấp các phản hồi xúc giác theo thời gian thực. Những rung động vật lý đó được tạo ra bởi những mô-tơ bé tí nằm bên trong thiết bị của bạn, gọi là các bộ truyền động (actuator). Khi được áp dụng một cách đúng đắn, phản hồi xúc giác có thể mô phỏng lại cảm giác của một cây kim chích vào người bạn khi đo lượng đường trong máu, giả lập sự dao động của các dây đàn guitar trên một màn hình tablet, hoặc một chấn động nào đó trên tay cầm chơi game.

Tính đến hiện nay, công nghệ này đang bị kéo lùi lại so với tiềm năng của mình bởi vì nó thiếu tính chính xác theo thời gian thực. Đó là lý do vì sao chúng ta hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều thiết bị điện tử nhưng haptic vẫn không thật sự phổ biến. Nhiều công ty đã cố gắng cải thiện mức độ chính xác và lấy đó làm ngành kinh doanh chính, chẳng hạn như Immersion với kĩ thuật giúp bạn cảm thấy y như thật khi chạm vào hình ảnh một cánh cửa hay khi mở cửa trong môi trường thực tế ảo. Apple thì có một cách khác, hãng tìm được giải pháp tận dụng những gì phản hồi xúc giác đang làm được và mở đường để đưa nó vào cuộc sống hằng ngày.


Với Watch, Apple sử dụng một giao diện gần giống như iOS nhưng có chỉnh sửa khá nhiều để phù hợp với màn hình nhỏ. Công ty còn phát triển núm "digital crown" để làm nhiều việc khác nhau, và xem đó như một trong các phương thức nhập liệu chính của Apple Watch. Song song đó, Apple còn tạo ra một thứ gọi là "bộ máy xúc giác" để đưa cảm nhận vật lý lên cổ tay của chúng ta. Theo mô tả của Apple thì:

"Bộ máy xúc giác tạo ra một trải nghiệm kín đáo, tinh tế và độc đáo bằng cách tương tác nhiều hơn với các giác quan của bạn. Nó cũng mở ra những cách hoàn toàn mới, nhưng cũng rất thân thuộc, để bạn giao tiếp với những người khác đang đeo Apple Watch. Bạn có thể thu hút sự chú ý của người khác với một cú chạm khẽ. Hoặc bạn cũng có thể gửi những thứ riêng tư như nhịp tim của mình".

Apple_Watch_2.

Chưa hết, khi bạn thực hiện thanh toán bằng Apple Watch, sẽ bạn vừa nghe vừa "cảm thấy" một thông báo xác nhận. Kết hợp với khả năng giao tiếp như việc gửi nhịp tim nói trên, Apple đã tạo ra một cách tương tác giữa người với người rất mới lạ. Sẽ không ngạc nhiên khi mà những "cú chạm" của Apple Watch được tùy biến theo từng người, từng cá nhân sử dụng chiếc đồng hồ này.

Vậy các lập trình viên bên thứ ba có thể tạo ra những thứ gì nhờ vào bộ máy xúc giác? Ở thời điểm hiện tại thì khó mà nói chính xác. Người phát ngôn của Apple từng cho biết hãng chưa sẵn sàng công bố bất kì chi tiết hay kế hoạch nào liên quan đến bộ SDK WatchKit.

Quay trở lại với phản hồi xúc giác, không khó để tưởng tượng ra một tương lai mà Apple Watch sẽ rung nhẹ để cảnh báo khi bạn rời khỏi nhà mà không mang theo dù, hay rời cơ quan mà quên bỏ điện thoại vào túi. Hoặc lúc bạn đi ngang qua cửa hàng tạp hóa, đồng hồ sẽ rung lên để nhắc bạn nhớ mua những món đồ cần thiết. Một giờ trước bữa trưa, hàng loạt các rung động nhỏ sẽ cảnh báo rằng lượng đường trong máu bạn đang giảm thấp và bạn cần phải ăn thứ gì đó (Apple Watch hiện không có tính năng này, biết đâu trong thế hệ kế tiếp sẽ có?).

Apple_Watch_3. ​

Nói rộng hơn, khi công nghệ phản hồi xúc giác được áp dụng rộng rãi cho cả thị trường thiết bị đeo được, chúng sẽ có tác dụng cảnh báo, nhắc nhở và chia sẻ những cảm giác rất riêng giữa con người với nhau. Haptic feedback sẽ sử dụng các rung động, áp lực, sự lặp lại, các lực tùy biến cùng hàng loạt phương pháp khác để tạo ra những phản hồi độc đáo nhưng rất chân thật.

Game cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng cho phản hồi xúc giác. Mới tháng trước công ty Miraisens đã trình diễn công nghệ haptic của mình để dùng trong các game thực tế ảo. Với một thiết bị nhỏ có hình dạng đồng xu, người dùng có thể cảm thấy như họ đang sở vào một cái nút thật, chạm vào một đồng tiền hay một thanh kiếm. Và bởi vì game chỉ là một dạng học hỏi, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi công nghệ haptic được mở rộng sang các phần mềm giáo dục để dạy học và rất nhiều tình huống sử dụng khác nữa.

Gần đây hệ thống của công ty Babybe đã được tạo ra nhằm truyền nhịp tim của người mẹ đến cho đứa bé sơ sinh. Thông thường thì sau khi sinh xong, mẹ và bé sẽ được tách riêng ra vì các lý do y tế, tuy nhiên điều đó lại có thể làm giới hạn tính gắn kết giữa sản phụ và con. Hệ thống Babybe có thể giúp giảm thiểu tác động trên bằng cách mô phỏng lại nhịp tim thật của mẹ, như thể đứa bé đang nằm trên ngực của cô ấy vậy.


Giờ thì người ta đã làm được như thế rồi, biết đâu sau này một thiết bị tương tự sẽ được phát triển để ông bà có thể "ôm" con cháu từ xa, hay cha mẹ đang đi công tác vẫn có thể giao tiếp với con cái như thể họ đang ở ngay bên cạnh chúng. Với việc các thiết bị điện toán vây xung quanh chúng ta mọi lúc mọi nơi, tiềm năng của phản hồi xúc giác là vô cùng rộng lớn. Chúng ta không thể biết chính xác khi nào thì công nghệ này sẽ cất cánh, nhưng hiện tại nó đã tạo ra được những mô hình tương tác rất thú vị giữa máy với người và giữa người với nhau. Cơ thể chúng ta chính là giao diện người dùng của tương lai.

No comments:

Post a Comment

Hướng dẫn thay pin iPhone 6 Plus